Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Thưởng thức món ăn ngon Xứ Lạng (Phần 1)

Lạng Sơn là một địa điểm du lịch gần hà nội , nơi đây thu hút du khách không chỉ vì phong cảnh thiên nhiên thơ mộng mà còn bởi những món ăn độc và đáo đặc sắc. Lạng Sơn không chỉ nổi tiếng có rượu Mẫu Sơn mà ẩm thực nơi đây cũng phong phú và đa dạng không kém gì. Tuy nhiên cách chế biến không hề đơn giản,nó vô cùng cầu kỳ, phức tạp tạo nên nét đặc trưng riêng của Xứ Lạng.

1. Lên Lạng Sơn ăn món Tàu lai

Lên đến Lạng Sơn mà chưa từng được nếm món áp chao thì thật đáng tiếc biết bao! Cái món ăn xuất xứ từ nước bạn láng giềng Trung Quốc khi du nhập vào Việt Nam, kết hợp với khẩu vị của người Việt đã thành một thứ quà đặc sắc của xứ Lạng. Đi ngang qua quán hàng nằm khiêm tốn trên đường Hoàng Văn Thụ, mùi thơm quyến rũ khiến khách đi đường cầm lòng không đặng. Bước vào quán, chọn một góc bàn với những chiếc ghế gỗ thấp, gọi món rồi trong lúc chờ đến lượt mình, ngắm cái bếp than hồng rực, trên bắc cái chảo dầu nóng ì xèo, những miếng thịt vịt vàng rộm trở mình trong chảo mỡ…


Áp chao làm từ thịt vịt thôi nhưng được chế biến khá độc đáo. Cùng là thịt vịt nhưng chia làm hai loại bày trên hai đĩa, một đĩa là thịt vịt chao dầu đã được tẩm ướp húng lìu, một là thịt vịt bọc bột nếp chiên vàng. Nhìn đĩa thịt vịt nâu vàng ruộm bên cạnh đĩa rau sống xanh mơn mởn, chưa ăn mà đã thấy ngon miệng rồi. Thịt vịt chao dầu thì dùng với bát nước chấm gồm gia vị, ớt, giấm ngâm măng đắng và mắc mật. Ăn thấy có vị đậm đà của thịt vịt được tẩm ướp kĩ càng mà lại có vị chua chua của thứ nước chấm rất riêng.



Còn thịt vịt bọc bột nếp – thứ bột nếp mà các bà hàng bánh rán mặn vẫn dùng để làm bánh – thì chấm với nước mắm đu đủ pha giấm ớt. Cắn một miếng thấy cái deo dẻo của bột nếp, đến miếng thứ hai cảm nhận ngay được cái ngọt của thịt vịt chín vàng. Ăn mãi mà không thấy chán.



Rau sống ăn kèm
Cả hai thứ này ăn kèm với rau sống. Trong cái gió mát của vùng cao, quây quần bên bè bạn, nhấp môi chút rượu Mẫu Sơn, nhấm nháp cái vị đậm đà của món áp chao, xuýt xoa trước cái cay cay của gừng, của ớt mới cảm nhận được hết cái thú ẩm thực xứ Lạng.Ngoài món vịt nướng đặc sắc thì món gà đồi nướng hay món chân giò nướng cũng ngon không kém gì món vịt.


2. Bữa tiệc rau ở Lạng Sơn

Cho đến bây giờ, cứ ai lên Lạng Sơn, ngoài việc mua sắm mặt hàng gia dụng lúc về không quên mua thêm một túi cải ngồng, bao giờ cũng vậy cứ đi về là phải mang cải ngồng. Cải ngồng đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong các bữa cơm đặc sản khi lên Lạng Sơn và trong hành trang mang về làm quà cho những người thân trong gia đình. Tiện thì mang nhiều, không tiện thì mang ít, nhưng không thể thiếu.

Cải ngồng ở đây ngọt và xanh mướt
Cải ngồng Lạng Sơn thật đặc biệt. Mới nhai có thể thấy đăng đắng nhưng ăn vào rồi mới thấy vị ngòn ngọt, man mát. Dường như món ăn Việt Nam đặc sắc ở chỗ ấy, nào là khổ qua, mướp đắng, giờ là rau cải ngồng, mới ăn có thể thấy đắng nhưng cái dư vị còn sót lại thấm trong thực quản là vị ngọt bùi. Còn cái vị ngọt của ngồng cải luộc hoặc chao dầu chấm thêm chút xì dầu thì vấn vương mãi trong lòng người thưởng thức.


Bên cạnh rau cải ngồng, xứ Lạng còn có một thứ rau có cái tên là lạ – rau bò khai – một thứ rau rừng thoạt trông như một loại cỏ có cái màu xanh non tơ yểu điệu như người con gái xứ Lạng. Cách ăn món rau này cũng hơi khác. Người ta xào bò khai chung với mì, mì ở đây chính là loại bánh phở sợi nhỏ và dài. Mì phải xào hơi giòn một chút, nêm đậm đà một chút. Khi bày ra đĩa, màu xanh mát của rau hòa quyện với màu trắng ngà của mì trong cái ngậy của mỡ chiên nóng hổi đủ làm thực khách thấy ngon mắt. Ăn một lần thì nhớ mãi.



Các món ăn được chế biến từ rau Lạng Sơn quả là món khai vị tuyệt vời. Ngọt, thanh, mát… làm giảm đi cái ngấy của những món chiên xào nhiều dầu mỡ mà với những người ăn kiêng thì đây quả là một bữa đại tiệc rau. Chỉ với cải ngồng ta đã có thể chế biến nhiều món, nào là cải ngồng luộc, cải ngồng chao dầu, cải ngồng xào tỏi, xào thịt bò… Món nào cũng hấp dẫn cũng ngon lành cả. Nào còn cà tím, khoai môn cũng được người dân xứ Lạng chế ra những món ăn lạ miệng. Khoai môn bao bột và cà tím bao bột chắc chắn sẽ là hai món làm không ít người bất ngờ thú vị. Khoai môn bao thịt đã được băm nhuyễn rồi tẩm bột chiên vàng, chấm với xì dầu điểm vài lát ớt cay. Cũng tương tự như vậy với món cà tím, toàn những thứ nguyên liệu quen mà ăn vẫn thấy lạ thấy ngon. Thế mới hay thức ăn ngon không hẳn vì cầu kì hay khó kiếm mà là do cái tài, cái khéo của người nấu gửi gắm trong đó.

3. Phở chua

Phở chua là khúc biến tấu thú vị của phở truyền thống và có hương vị đặc biệt hấp dẫn. Một tô phở chua truyền thống của xứ Lạng cần đến hơn 10 loại nguyên liệu đặc biệt như: bánh phở, khoai lang, gan lợn, dạ dày, thịt ba chỉ quay xá xíu, lạp xườn, bột chao, lạc, dưa chuột cùng các loại rau thơm…


Bánh phở tươi, phơi cho se lại, thái nhỏ sao cho vừa dẻo vừa dai. Khoai lang bào mỏng, chao qua lớp mỡ già cho thật giòn và ánh lên màu vàng đẹp mắt. Gan lợn thái mỏng và rán cháy cạnh. Thịt xá xíu phải giòn bì, đượm màu nâu cánh gián, đậm đà nguyên liệu tẩm ướp… Lạc rang giòn, giã dập. Các loại rau thơm, hành khô, dưa chuột và lạp xườn thái sợi để tiện cho việc trộn lẫn.



Thành phần chính của “nước lủ” – nước sốt dùng cho món ăn này bao gồm: nước báng tỏi, dấm, đường, mì chính… Người nấu nước lủ phải phi thơm hành, tỏi, rồi đun cùng với ớt, cà chua, giấm đường, đường, nước mắm rất kỳ công.
Phở chua, nhờ cách thức chế biến cầu kỳ như vậy, hội tụ đầy đủ “ngũ vị” với giòn, bùi của khoai, của lạc, vị ngậy của thịt xá xíu, cay của ớt, lại man mát của miếng dưa chuột, chua dịu của nước dùng, cay của thứ măng ớt gia giảm. Một món ăn mang đậm bản sắc Lạng Sơn.

4. Lạ và ngon món bánh áp chao

Xứ Lạng có món vịt áp chao khá nổi tiếng, nhưng ít ai để ý, trên đây còn có món bánh áp chao cũng tuyệt vời không kém. Món bánh, nghe thấy thôi cũng đủ thôi thúc những vị khách phương xa phải lùng sục đi tìm để ăn cho bằng được.

Món bánh áp chao
Đây là loại bánh được chế biến từ gạo nếp và gạo tẻ, gạo nếp chiếm tỷ lệ 3/4. Gạo đem xay bột nước, lọc bột cho khô vừa ở độ rền rệt, thái thêm lá hành cho vào, cho thêm chút xì dầu vào bột đảo cho thật đều.

Áp chao theo cô chủ quán bánh giải thích là nó chính là… vịt chao. Thì ra, nhân của món bánh này lại chính là món thịt vịt nổi tiếng.

Thịt vịt làm sạch chặt miếng quân cờ ướp húng lìu, bột canh hoặc muối tiêu, hạt tiêu cho vừa. Lấy muôi dán làm bằng nhôm múc bột đầy muôi, cho miếng thịt vịt vào giữa muôi bột ấn đều bột ngâm miếng thịt vịt. thả cả muôi bột vào chảo mỡ đang sôi, 3 phút sau bánh chín gỡ bỏ ra, đảo bánh đều khi nào bánh ngả màu vàng là được. Vớt bánh ra ăn nóng với đu đủ ngâm, dấm ớt, tiêu và rau diếp.


Người bán bánh áp chao còn đem các bộ phận khác của con vịt như cổ cánh, chân, lòng mề vịt được tẩm ướp gia vị chao lên, có hương vị rất thơm ngon, hấp dẫn. Trong tiết trời se lạnh, nhấp một chút rượu Mẫu Sơn với món bánh này thì chẳng có gì tuyệt vời hơn!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét